Khi bạn bị sâu răng, viêm tủy, niềng răng, chỉnh hình hoặc răng khôn mọc lệch… bác sĩ có thể nhổ răng cho bạn. Vậy trường hợp nào bắt buộc nhổ răng, chi phí khoảng bao nhiêu, quy trình thực hiện và chăm sóc bệnh nhân sau khi nhổ răng như thế nào? Bài viết sau đây của BS.CKI Nguyễn Thị Châu Bản, khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.
Nhổ răng là gì?
Nhổ răng (tooth extraction) là một thủ thuật nha khoa mà theo đó nha sĩ hay bác sĩ Răng Hàm Mặt sẽ lấy toàn bộ răng bị hư ra khỏi ổ răng. Trước khi nhổ răng, nha sĩ sẽ tách rời nướu, tách dây chằng nha chu, giãn xương ổ và lấy răng ra khỏi ổ răng.
Những trường hợp được chỉ định và chống chỉ định nhổ răng
1. Trường hợp chỉ định nhổ răng
Dù răng vĩnh viễn sẽ tồn tại suốt đời nhưng có một số trường hợp có thể phải nhổ răng như:
- Chỉnh nha: mục tiêu của chỉnh nha là sắp xếp răng đúng cách. Nếu răng quá to hoặc quá nhiều, mọc lệch… sẽ phải nhổ. Ở một số trường hợp, nếu răng dư thừa chiếm chỗ, không có chỗ cho răng khác mọc lên, đặc biệt răng khôn mọc lệch cũng cần được nhổ. Khi cần trồng răng hoặc niềng răng có thể phải nhổ 1 số răng.
- Sâu răng: nếu sâu răng hoặc tổn thương lan đến tủy răng (trung tâm của răng chứa dây thần kinh và mạch máu) thì vi khuẩn trong miệng có thể xâm nhập vào tủy răng, dẫn đến nhiễm trùng. Tuy điều này có thể khắc phục bằng liệu pháp điều trị tủy (RCT) nhưng nếu nhiễm trùng nghiêm trọng đến mức thuốc kháng sinh hoặc RCT không thể chữa khỏi, lúc này cần nhổ răng để ngăn nhiễm trùng lan rộng. (1)
- Ngăn nguy cơ nhiễm trùng: hệ miễn dịch bị tổn thương do hóa trị hoặc đang cấy ghép nội tạng,… phải nhổ những răng có nguy cơ nhiễm trùng, ngăn nhiễm trùng lan rộng và tấn công lại hệ thống miễn dịch, khiến hệ miễn dịch yếu hơn.
- Xạ trị: trong khi xạ trị những bệnh vòm họng, khoang miệng, những răng nằm trên tia xạ trị phải được nhổ. Vì tia xạ trị có ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và nướu răng, gây bất lợi cho răng hàm trên và hàm dưới. Nếu nhổ răng sau khi xạ trị rất dễ nhiễm trùng.
- Nhổ răng khôn: răng khôn thường xuất hiện trong quá trình phát triển răng miệng và thường phải nhổ đi. Đặc trưng của răng khôn là mọc ngầm hoặc kẹt trong hàm, không thể mọc ra ngoài như những răng còn lại. Điều này có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy vùng nướu xung quanh, nhiễm trùng, áp xe,…
- Sử dụng thuốc bisphosphonates: để điều trị phòng ngừa bệnh loãng xương, trước khi sử dụng bisphosphonates tiêm tĩnh mạch, người bệnh sẽ được bác sĩ nhổ những răng có nguy cơ bị viêm. Nếu nhổ răng sau khi đã sử dụng bisphosphonates có thể dẫn đến tăng nguy cơ thoái hóa xương, xương mòn trong vùng hàm.
2. Trường hợp chống chỉ định nhổ răng
- Người bệnh mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính, có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như viêm lợi, viêm vòm họng cấp tính, viêm khớp răng, viêm tủy răng cấp tính, viêm xoang cấp tính,… không nên nhổ răng.
- Người mắc các bệnh về rối loạn đông máu, tiểu đường, tim mạch,… khi muốn nhổ răng cần được bác sĩ chỉ định.
- Người bệnh động kinh, loạn thần, không thể tự kiểm soát hành vi của bản thân,… phải dùng thuốc an thần trước vài ngày, sau đó mới nhổ răng.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, mang thai hạn chế nhổ răng.
- Một số trường hợp tuyệt đối không nhổ răng bao gồm: người bệnh ung thư bạch cầu, hoại tử xương hàm,…
Biến chứng gì nếu không nhổ răng?
1. Đối với răng sữa
Răng sữa ở trẻ nhỏ nếu không nhổ đi sẽ khiến răng vĩnh viễn mọc chậm hoặc mọc lệch, gây đau. Người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nguy hiểm hơn, trẻ có nguy cơ hóc hoặc sặc răng sữa, do răng rụng bất ngờ.
2. Đối với răng viêm nhiễm và chân răng
Răng hoặc chân răng bị viêm nhiễm, không còn khả năng chữa trị được nữa, phải nhổ. Vì sự tồn tại của chúng sẽ gây đau nhức, cản trở những sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng hơn, ổ viêm có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương.
Khi ổ viêm lan rộng, chúng gây tổn thương nướu, hư hỏng các răng lân cận. Trong một vài trường hợp nặng, răng và chân răng viêm nhiễm dẫn đến viêm tủy xương, viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu,… ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
3. Đối với răng lệch, ngầm, dị dạng, lạc chỗ
Răng mọc lệch, mọc ngầm, dị dạng, lạc chỗ gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Lâu ngày, chúng gây đau và viêm nướu tại chỗ, cơn đau tái phát nhiều lần có thể tiến triển thành viêm tế bào. Điều này khiến sức khỏe cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, sốt kéo dài,…
Hiện tượng răng mọc lệch, mọc ngầm, dị dạng,… ảnh hưởng đến các răng liền kề, gây ra các bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy,… kéo theo đó là những bệnh vùng quanh chóp, viêm xương hàm, viêm tổ chức liên kết, viêm nang răng,… Các yếu tố này có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn là viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc. Những biến chứng này khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Các biến chứng sau nhổ răng có thể gặp phải
1. Sưng và đau
Bạn thường bị đau và sưng sau nhổ răng. Tình trạng này thường tệ hơn trong 2 – 3 ngày đầu và sau đó bắt đầu thuyên giảm. Cường độ cơn đau ở mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào loại phẫu thuật lấy răng, sức chịu đựng của người bệnh.
Nếu không chịu được cơn đau, có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen. Khi sử dụng thuốc giảm đau nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ những chỉ định về cách dùng, liều lượng thuốc.
Ngoài cảm giác đau, sau khi nhổ răng có thể bị sưng miệng, triệu chứng này khá phổ biến. Vết sưng tấy xuất hiện bên ngoài miệng và có một số vết bầm tím. Vết sưng thường xuất hiện trong 48 giờ đầu sau nhổ răng. Tình trạng này kéo dài từ 5 – 7 ngày trước khi khỏi bệnh. Đây là một phần bình thường của quá trình hồi phục của nướu và các mô, không phải nhiễm trùng nướu.
2. Viêm huyệt ổ răng sau nhổ răng (ổ răng khô)
Viêm huyệt ổ răng sau nhổ răng (ổ răng khô) là biến chứng phổ biến nhất khi nhổ răng khôn. Viêm huyệt ổ răng sau nhổ răng do cục máu đông không phát triển được trong ổ răng hoặc do cục máu đông bong ra và biến mất. Điều này có thể xảy ra từ 3 – 5 ngày sau nhổ răng.
Ổ răng rỗng gây đau nhức, nhói ở nướu hoặc hàm, cơ đau có thể dữ dội như đau răng, có mùi hoặc vị khó chịu từ hốc răng trống. Nếu nhìn vào ổ răng khô, có thể thấy xương lộ ra. Bạn có nhiều nguy cơ bị khô ổ răng hơn nếu:
- Không làm theo hướng dẫn của nha sĩ sau khi nhổ răng.
- Hút thuốc lá.
- Tiền sử mắc bệnh này trước 25 tuổi.
- Ca nhổ răng khó khăn hoặc phức tạp.
Gặp nha sĩ hoặc bác sĩ răng hàm mặt nếu có triệu chứng của ổ răng khô. Bác sĩ có thể loại bỏ bất kỳ mảnh vụn nào ra khỏi ổ răng hoặc che nó bằng băng thuốc, quá trình này có thể lặp lại thường xuyên cho đến khi răng lành hẳn.
3. Viêm tủy xương
Vết thương hở do nhổ răng khi bị nhiễm trùng có thể gây viêm tủy xương. Nhiễm trùng có thể lan đến xương bên dưới răng, ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm. Các triệu chứng viêm xương tủy bao gồm: sốt, sưng đau,… ở các vùng bị ảnh hưởng, tương tự như các triệu chứng nhiễm trùng răng miệng khác.
4. Hoại tử xương hàm (ONJ)
Hoại tử xương hàm (ONJ) có xu hướng xảy ra sau phẫu thuật răng miệng như nhổ răng, cấy ghép nha khoa hoặc ghép xương nha khoa,… thủ thuật này để lộ một số xương hàm, khiến chúng dễ nhiễm trùng.
Khi bị hoại tử xương hàm, mô nướu không thể lành sau nhổ răng, khiến xương hàm ngày càng lộ rõ. Phần xương hàm lộ ra không nhận được lưu lượng máu, khiến các tế bào xương chết dần. Hiếm khi, ONJ xảy ra mà không rõ lý do.
Bất cứ ai cũng có thể phát triển hoại tử xương hàm. Nguy cơ này tăng lên nếu bạn dùng thuốc chống thoái hóa bisphosphonates. Những loại thuốc IV (tiêm tĩnh mạch) có thể giúp làm chậm quá trình mất xương và tăng mật độ xương, giúp ngăn xương gãy.
5. Chảy máu
Chảy máu ở ổ răng là điều bình thường trong vòng 24 giờ đầu sau khi nhổ răng. Nếu bạn dùng một số loại thuốc như: Warfarin, Rivaroxaban, Apixaban, Clopidogrel, Aspirin,… làm loãng máu, có thể khiến tình trạng chảy máu sau khi nhổ răng kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn.
Sau vài ngày nhổ răng, có thể vẫn còn ít máu lẫn trong nước bọt. Nếu bạn vẫn bị chảy máu, hãy sử dụng miếng gạc y tế hoặc bông gòn, làm ướt nhẹ rồi đắp lên vùng nướu răng đang chảy máu. Cắn chặt ít nhất 10 phút hoặc cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu máu không ngừng chảy, hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ Răng Hàm Mặt để được khắc phục biến chứng.
6. Các rủi ro tiềm ẩn khác
Một số biến chứng, rủi ro tiềm ẩn khác cũng có thể xảy ra sau khi nhổ răng như:
- Răng nhạy cảm: các răng bên cạnh răng bị nhổ sẽ thấy mềm hoặc nhạy cảm hơn với thức ăn và đồ uống.
- Chấn thương dây thần kinh: chấn thương ở các phần của dây thần kinh gọi là dây thần kinh sinh ba là một biến chứng khác có thể xảy ra khi nhổ răng khôn. Nó có thể gây đau, cảm giác ngứa ran và tê ở lưỡi, môi dưới, cằm, răng và nướu. Chấn thương thường kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là vĩnh viễn nếu dây thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng.
Nhổ răng nào nguy hiểm nhất?
Nhổ răng khôn hàm dưới nguy hiểm nhất vì chúng thường được coi là những chiếc răng khó nhổ nhất. Mức độ nghiêng lệch càng cao thì việc lấy răng ra càng khó khăn. Những chiếc răng này thường mọc muộn, chèn ép các răng khác hoặc bị nướu trùm lên. Răng khôn dễ gây sâu răng do vệ sinh răng miệng khó khăn.
Hơn nữa, khi nhổ răng khôn cũng tìm ẩn những rủi ro, biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng và viêm ổ răng sau khi nhổ, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương dây thần kinh liên quan,… Để hạn chế những rủi ro, biến chứng khi nhổ răng khôn, người bệnh cần kiểm tra kỹ trước khi nhổ và chăm sóc đúng cách sau khi nhổ răng.
Có nên nhổ nhiều răng cùng lúc?
Dù có thể nhổ nhiều răng trong 1 lần khám nhưng không phải lúc nào cũng nên nhổ nhiều răng. Trường hợp sức khỏe người bệnh yếu, suy giảm miễn dịch… nên chia thời gian nhổ nhiều răng sẽ có lợi hơn.
Các nha sĩ cũng thường khuyên bệnh nhân mỗi lần nhổ không quá 2 chiếc răng cùng lúc. Từ góc độ nha khoa thuần túy, việc nhổ nhiều răng trong 1 lần có thể an toàn nhưng sẽ có vài lý do không được khuyến nghị. Một trong những lý do này là việc nhổ nhiều răng cùng lúc có thể gây ra các biến chứng có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng.